Để có ý tưởng tốt cho Event, điều tiên quyết là phải có cảm hứng mới có thể phát sinh được những ý tưởng thăng hoa. Event càng “thoáng” về ngân sách, càng đặt cao yếu tố ấn tượng, thẩm mỹ… thì càng có đất dụng võ cho những người làm creative. Tuy nhiên có một thực tế là những Event như thế không nhiều, chỉ chiếm chưa tới 10% trong số các Event lớn nhỏ tại Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều người làm công việc sáng tạo thường bị níu chân bởi những proposal với những xoàng xĩnh dành cho những Event thiên về việc thực hiện, không đòi hỏi sáng tạo bay bổng. Về lâu về dài, người làm creative bị bào mòn dần, họ vị bó hẹp trong cái khuôn mang tên “giới hạn ngân sách”. Người làm creative tốt nhất không nên can dự sâu vào việc viết các proposal mang tính thực thi (execution), hãy làm đúng chức phận của mình: sáng tạo ý tưởng.
Mọi người cho rằng quá trình brainstorm (động não) với sự tham gia của nhiều người sẽ mang lại nhiều ý tưởng hữu ích, tuy nhiên cũng có nhiều người cảm thấy thoải mái hơn khi phải ngồi suy nghĩ ý tưởng một mình. Có người thích suy nghĩ ý tưởng ở nhà, có người thích ra quán cafe, công viên, lại có người nhất định phải ngồi tại văn phòng mới nghĩ ra được ý tưởng. Nhiều người chỉ suy nghĩ được ý tưởng khi chúng ta cho họ thời gian rộng rãi, nhiều người lại chỉ làm việc hiệu quả khi có sức ép về thời gian và tiến độ. Làm thế nào để suy nghĩ được ý tưởng cho Even một cách tốt nhất là tùy ý thích và cảm giác của bạn, miễn là bạn thấy thoải mái để suy nghĩ ý tưởng nhất, chứ không cần thiết phải “làm theo những gì người khác thường làm”.
Những chuyến đi du lịch, những lần tham dự Event của các công ty khác tổ chức cũng có thể giúp bạn nảy sinh nhiều ý tưởng mới lạ. Có người nói vui “90% ý tưởng là do ăn cắp và xào nấu lại mà thành”. Từ những ý tưởng cóp nhặt được, bạn có thể “phăng” ra được rất nhiều ý tưởng cho riêng mình.
Đừng bỏ qua những điều nhỏ nhặt trong thực tế vì chính nó sẽ khơi gợi những ý tưởng mới cho chúng ta. Kiến trúc lạ mắt của một căn nhà có thể làm bạn nảy sinh ý tưởng mới về tạo hình sân khấu, hình ảnh gây ấn tượng trong một bức tranh có thể làm nên một concept của chương trình, một nét văn hóa đặc sắc nào đó có thể gợi cho bạn ý tưởng về trang phục của PG… Người viết cũng hay sưu tầm những hình ảnh đặc sắc, có thể là hình những đồ vật xếp bằng giấy, nghệ thuật vẽ chân dung bằng bình xịt sơn, một núi bánh kẹo khổng lồ…, và coi đó như những gợi ý tốt cho mình khi suy nghĩ những ý tưởng độc đáo, đặc sắc cho Event. Chị Tâm Phan – một Event Manager thành công chia sẻ một bí quyết để có thể đưa ra những ý tưởng tốt là luyện cho mình phản xạ ngầm phân tích những “Action behind the scenes” khi xem một bộ phim, một chương trình live show, một hoạt động promotion ở siêu thị… và luôn đặt câu hỏi: nếu là mình thì mình sẽ làm gì để nó hấp dẫn hơn, thành công hơn. Đôi khi, nguồn cảm hứng đến từ ngay xung quanh ta là vậy.
Người làm nghề sáng tạo cũng nên đầu tư tìm hiểu về văn hóa, lịch sử để chuẩn bị cho mình một phông nền kiến thức đủ vững vàng để thể hiện “cho tới” những ý tưởng trong Event. Đã có trường hợp trong một Event giới thiệu sản phẩm, người tổ chức tôn vinh văn hóa Mỹ Latin nhưng lại cho các vũ công nhảy điệu Valse, nếu người có am hiểu chút ít về khiêu vũ sẽ biết điệu Valse (Waltz) bắt nguồn từ châu Âu, nếu vũ công nhảy điệu Rumba, Chachacha, Samba… thì sẽ mang hơi thở Latin rất rõ rệt. Sự phô bày trí tuệ kiểu “nửa mùa” như vậy sẽ làm cho Event bớt đẹp trong con mắt những người tham dự có am hiểu.
Tìm hiểu thêm kiến thức tổ chức sự kiện:
Hạn chế copy và paste
Khi một người làm creative đầu tư nhiều tâm huyết vào một proposal nào đó, họ thường có xu hướng tiếc nuối khi proposal không thắng thầu (mà đây là chuyện thường gặp khi các Event Agency tham gia bidding). Vì vậy họ thường “tái sử dụng” các ý tưởng đó vào các Event tương tự về sau. Việc này góp phần làm bào mòn sự sáng tạo và chây ì nỗ lực của họ, đó là điều thường gặp ở nhiều người làm sáng tạo sau một thời gian làm việc ở Event Agency.
Phúc, một thành viên trên diễn đàn Event chia sẻ lại kinh nghiệm của mình: “Trước đây mình từng làm event executive của một ngân hàng – một lĩnh vực e ngại sự sáng tạo nhất. Bao nhiêu là ý tưởng đưa lên đều bị sếp khất lần, bảo rằng để coi ngân hàng khác có làm thì mình hãy làm. Thế là mình quyết định chuyển việc qua một môi trường mới với một vị sếp khuyến khích sáng tạo, nnhưng sau một thời gian mình lại cứ xào nấu lại những ý tưởng cũ, và anh sếp cũng thấy được vấn đề của mình. Một hôm anh giao cho làm ý tưởng cho một sự kiện trong sinh viên, nhưng anh kêu mình cầm một tờ giấy và đi ra quán cafe, trong một ngày phải viết ra ý tưởng cho sự kiện. Quả thật là có hiệu quả, viết được hẳn một ý tưởng không giống những cái cũ. Và từ đó mình thấy, vấn đề là chúng ta hay bị hồi nhớ về những sự kiện cũ, từ những proposal có sẵn trong máy tính nên bị định hướng suy nghĩ. Hãy bỏ hết tất cả, trong tay chỉ có một cây bút và tờ giấy trắng để sáng tạo mà thôi”. Qua đó, chúng ta thấy rằng, để nghĩ được những ý tưởng thực sự mới mẻ, và không bào mòn chính con người mình, hãy hạn chế thói quen copy và paste.
Khoảng cách từ ý tưởng đến thực tế
Một thực tế cần phải nhìn nhận là nhiều ý tưởng rất bay bổng, thăng hoa nhưng lại không hoặc rất khó thực hiện trong thực tế, điều này thường gặp ở những sinh viên mới ra trường hoặc những người chưa có nhiều kinh nghiệm với ngành Event. Nên nhớ rằng con diều nào dù bay cao đến đâu thì vẫn phải gắn với mặt đất bằng một sợi dây. Nếu ý tưởng bạn đưa ra có hay, có tốt đến mấy nhưng không mang tính khả thi, quá tốn kém không cần thiết hoặc không đáp ứng được những mong muốn, dự định của khách hàng, của công ty… thì nó cũng sớm trở nên vô dụng.
Người làm creative nên tham dự nhiều Event để học hỏi, quan sát nhằm có những ý tưởng mang tính thực tế cao, ngoài ra cần phải nắm bắt những ý muốn, kỳ vọng của người muốn làm Event để tránh tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Một người hay phản biện những ý tưởng sáng tạo của bạn là một “Idea-killer”, nhưng họ cũng có vai trò tốt trong việc nắm chân bạn để bạn khỏi bay lên quá cao so với mặt đất.